Diêm dân Bạc Liêu thu hoạch muối. (Ảnh THANH CƯỜNG)
Hằng năm, việc sản xuất muối ở Bạc Liêu diễn ra trong mùa khô, tính theo âm lịch, thường bắt đầu từ khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Trải qua hơn 100 năm, nghề làm muối gắn bó với đời sống người lao động địa phương, nhiều gia đình có tới năm, sáu thế hệ sinh sống bằng nghề làm muối. Những cánh đồng muối “thẳng cánh cò bay” của Bạc Liêu trải dài ven biển, từ khu vực xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) đến cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải) với chiều dài hàng chục km. Vào những năm đầu thế kỷ 20, làm muối là một trong ba ngành kinh tế lớn (sau cây lúa và thủy sản), góp phần đưa Bạc Liêu trở thành một tỉnh khá nổi tiếng, được xem là một trong ba trung tâm kinh tế lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ ấy.
Nghề làm muối ở Bạc Liêu tập trung chủ yếu tại hai huyện ven biển Hòa Bình và Đông Hải. Hiện, huyện Đông Hải có hơn 1.500 ha sản xuất muối, chiếm gần 70% diện tích muối của Bạc Liêu. Qua gặp gỡ, trò chuyện với một số cán bộ và diêm dân nơi đây, mọi người đều mong sao nghề làm muối được tồn tại và phát triển…
Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là do giá muối xuống quá thấp, trong khi các khoản chi phí tăng cao, người làm muối không có lãi, thậm chí có năm bị thua lỗ nặng. Do vậy, diện tích đồng muối ngày một “teo” dần. Theo các ngành chức năng của tỉnh, những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20 (khi mới chia tách tỉnh), nghề làm muối Bạc Liêu “lên ngôi” với diện tích sản xuất hơn 6.000 ha; đến nay, đã giảm hơn một nửa, chỉ còn khoảng gần 3.000 ha.
Anh Lâm Văn Lặc, một diêm dân gắn bó với nghề muối nhiều năm nay ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải, bày tỏ: “Nhiều diêm dân Bạc Liêu nói chung, gia đình tôi nói riêng, vẫn ráng bám trụ, bởi nghề làm muối đã ăn sâu vào “máu thịt” của mình. Diêm dân chúng tôi mong sao Chính phủ, chính quyền tỉnh Bạc Liêu thật sự quan tâm, có các biện pháp cụ thể, thiết thực hỗ trợ để diêm dân có thể tiếp tục với nghề truyền thống lâu đời của địa phương”…
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đang tích cực tìm các giải pháp nhằm khôi phục và phát huy tiềm năng, thế mạnh nghề làm muối truyền thống hơn 100 năm nay tại địa phương. Theo đó, chú trọng mở rộng diện tích sản xuất muối, nâng cao chất lượng sản phẩm muối, nâng cao đời sống cho bà con diêm dân trên địa bàn; xây dựng thương hiệu muối Bạc Liêu và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện Hòa Bình, Đông Hải chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, các sản phẩm lưu niệm từ muối, dược liệu từ muối. Cùng với đó, xây dựng lễ hội muối tổ chức định kỳ hằng năm nhằm quảng bá, thu hút du khách đến tham quan.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho diêm dân ổn định cuộc sống; tăng cường hướng dẫn và chuyển giao ứng dụng khoa học-kỹ thuật hiện đại nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng muối, giúp bà con diêm dân an tâm gắn bó, tiếp tục trao truyền cho thế hệ sau về nghề làm muối.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường từ cầu Dân Quân đến giáp tuyến đường Giồng Nhãn-Gành Hào, thuộc xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển, mua bán sản phẩm muối của bà con diêm dân, đồng thời phục vụ nhu cầu phát triển du lịch.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 130 tỷ đồng cho đề án nâng cấp cánh đồng muối của tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, các hộ dân nằm trong dự án sẽ được đầu tư điện, nâng cấp lộ, nạo vét kênh, mương thủy lợi; giúp diêm dân ứng dụng công nghệ để tăng năng suất, chất lượng muối nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt Đề án “Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối” giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đến năm 2030, duy trì diện tích sản xuất muối của tỉnh 1.500 ha; sản lượng muối đạt khoảng 66.000 tấn/năm; trong đó, diện tích muối kết tinh trên nền trải bạt 170 ha, chiếm 11% tổng diện tích sản xuất muối. Đồng thời, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối; ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, chế biến muối, tăng năng suất tối thiểu 20%, nâng cao giá trị các sản phẩm muối ít nhất là 30% so với hiện nay.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất cao, đồng thời đề ra kế hoạch cụ thể phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức Festival muối Việt Nam, dự kiến diễn ra vào tháng 3/2025 tại Bạc Liêu. Đây là sự kiện có quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề truyền thống lâu đời của địa phương...