Công ty Cổ phần Sản xuất và Chế biến Nông Lâm Thủy sản Việt Namhttps://vinafass.com/uploads/logo-14.png
Thứ năm - 25/07/2024 03:001730
Dù là đất nước sản xuất muối tiềm năng, nhưng mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 400.000-600.000 tấn muối để đáp ứng nhu cầu trong nước, đòi hỏi cần có giải pháp để phát triển ngành muối bền vững.
Với đường bờ biển dài, Việt Nam là quốc gia có lợi thế để phát triển ngành sản xuất và chế biến muối. Nghề muối tại Việt Nam là một nghề truyền thống, có từ lâu đời, là ngành sản xuất có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Nông thôn), mặc dù là đất nước sản xuất muối tiềm năng, nhưng mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 400.000-600.000 tấn muối để đáp ứng nhu cầu trong nước. Muối nội địa giá trị thấp, tồn kho nhiều. Nhiều diêm dân đã bỏ nghề, chuyển sang công việc khác, doanh nghiệp ngành muối chật vật tìm hướng đi để tồn tại. Thêm vào đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ muối nhập khẩu, đặc biệt là từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Sở hữu bờ biển dài khoảng 3.260km và bức xạ nhiệt cao, muối là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu được đối với đời sống xã hội và con người. Muối không chỉ dùng để ăn, dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm mà còn dùng trong lĩnh vực y tế, trong công nghiệp hoá chất và một số ngành khác.
Sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối là ngành kinh tế đang tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho khoảng 21.000 diêm dân, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, xã hội nông thôn vùng duyên hải của Việt Nam.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nghề muối tại Việt Nam là một nghề truyền thống, có từ lâu đời, là ngành sản xuất có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, muối có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế quốc dân, thu hút và tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn diêm dân.
Ngày 23/5/1955, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 535/TTg, thành lập Sở Muối trực thuộc Bộ Tài chính để quản lý và phát triển sản xuất muối và trong thống kê kinh tế-xã hội, ngành muối (bao gồm cả sản xuất và phân phối) trở thành một ngành kinh tế quốc dân độc lập.
Kể từ đó đến nay, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ, các Bộ, ngành và địa phương ban hành nhiều hướng dẫn tổ chức triển khai phát triển của ngành muối nhằm hỗ trợ sinh kế và thu nhập cho hàng vạn hộ diêm dân (trong đó đa phần là các hộ nghèo, thu nhập thấp).
Đến nay, cả nước có 73 cơ sở chế biến muối tinh, muối trộn i-ốt, muối sạch xuất khẩu... Trong số đó, 13 sơ sở chế biến muối (chiếm 19,7%) đã đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công suất 15.000 - 22.000 tấn/năm và 01 cơ sở đã đầu tư 02 dây chuyền thiết bị đồng bộ nhập khẩu của Tây Ban Nha có công suất 200.000 tấn/năm.
Việt Nam hiện có 21 tỉnh ven biển sản xuất muối nhưng diện tích sản xuất muối tập trung chính ở các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa…
Sản phẩm muối Việt Nam được tiêu thụ trong nước với 2 mục đích chủ yếu là phục vụ nhu cầu sinh hoạt và dùng làm nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp như công nghiệp hóa chất, công nghiệp chế biến thủy hải sản, công nghiệp thực phẩm, y tế.
Chưa tương xứng tiềm năng
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, mặc dù là đất nước sản xuất muối tiềm năng, nhưng mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 400.000-600.000 tấn muối để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Sản xuất muối chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, quy mô phân tán theo hộ diêm dân (chiếm 69% diện tích), nên năng suất, chất lượng tại các đồng muối công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hóa chất, nên vẫn phải nhập khẩu muối công nghiệp, lượng muối của các đồng muối công nghiệp chủ yếu phục vụ chế biến muối tinh cung cấp muối cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, nên cạnh tranh trực tiếp với muối do diêm dân sản xuất.
Một số vùng sản xuất muối của nước ta tại các tỉnh Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển sản xuất muối quy mô công nghiệp nhưng chưa được quan tâm đầu tư phát triển.
Ở miền Bắc Việt Nam có nhiều vùng sản xuất được những sản phẩm muối có hàm lượng NaCl thấp (muối nhạt), chứa hàng chục nguyên tố vi lượng rất tốt cho sức khỏe và làm đẹp. Sản phẩm này được nhiều quốc gia quan tâm và có nhu cầu nhập khẩu với số lượng lớn nhưng sản lượng muối chưa nhiều và chất lượng muối thấp (lẫn nhiều tạp chất) nên không đáp ứng được số lượng, và chất lượng yêu cầu nhập khẩu.
Phát triển bền vững ngành muối
Để thúc đẩy phát triển ngành muối, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định số 766/QĐ-BNN-KTHT ngày 24/02/2021 về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030.
Trong ngắn hạn đến năm 2025, mục tiêu đặt ra của đề án là duy trì tổng diện tích sản xuất muối 14.500ha, sản lượng đạt 1,5 triệu tấn /năm; trong đó, diện tích sản xuất muối kết tinh trên nền trải bạt 5.000ha, sản lượng đạt 650.000 tấn (chiếm 43%), sản lượng muối chế biến đạt 500.000 tấn.
Đảm bảo diện tích sản xuất muối quy mô công nghiệp đạt 4.805 ha, với sản lượng đạt 640.000 tấn/năm (chiếm 42%); ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất sản xuất muối tối thiểu 20%.
Mục tiêu dài hạn đến năm 2030, chú trọng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm với tổng diện tích sản xuất muối đạt 14.200ha nhưng sản lượng đạt 2 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu trong nước, nhất là hỗ trợ phát triển các sản phẩm muối và chế biến khác từ muối phục vụ nhu cầu xuất khẩu, du lịch, y tế.
Vấn đề đầu tư phát triển sản xuất muối cần thực hiện đồng bộ gắn với chế biến, thị trường trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp hóa chất, nguyên liệu cho chế biến muối tinh cao cấp được tập trung tại các địa phương trọng điểm như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Đầu tư cải tạo, nâng cao cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối cho người dân sản xuất muối gắn với hỗ trợ xây dựng các mô hình chế biến, đa dạng hóa sản phẩm muối nhằm nâng cao giá trị gia tăng tại các địa phương Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Ngoài ra, Bộ đang triển khai xây dựng thí điểm Đề án nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị ngành muối Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Đề án được thực hiên trên địa bàn 8 tỉnh là Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu.
Tại cuộc họp về phát triển ngành muối Việt Nam vào tháng 7/2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết sản phẩm muối ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển và vươn xa hơn, tuy nhiên cần có sự kết nối giữa các Bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân để tạo thành một chuỗi giá trị gắn kết.
Chúng ta có một thế mạnh đó là người dân chăm chỉ, cần cù và nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối có thể tạo ra nhiều sản phẩm muối phơi cát có nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe. Sản phẩm muối của Việt Nam đã chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc,… với số lượng xuất khẩu tăng hàng năm.
Ông Hồ Xuân Vinh - Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn ABACA Việt Nam cho rằng muối là sản phẩm quan trọng trong cuộc sống, là sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày...Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam đang đánh đồng sản phẩm muối mà chưa biết rõ đến chất lượng sản phẩm của từng loại. Đã có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất muối đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để đưa ra sản phẩm muối đa dạng với nhiều giá trị mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Nhưng hiện nay để người tiêu dùng tìm hiểu và chọn lựa những sản phẩm chất lượng vẫn đang là một bài toán khó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có vai trò rất quan trọng trong việc cùng đồng hành với các doanh nghiệp trong việc phát triển ngành muối và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Ông Vinh mong muốn trong thời gian tới, Bộ sẽ là đầu mối để kết nối với các doanh nghiệp với các dự án muối để tiếp cận và phát triển nghề muối, xây dựng chuỗi giá trị nhằm ồn định thu nhập cho người nông dân, và tạo điều kiện để đẩy mạnh truyền thông, quảng bá những sản phẩm chất lượng, an toàn tới người tiêu dùng đồng thời bảo vệ vùng ven biển và an ninh nguồn nước.
Bộ cũng cần có những hỗ trợ về chính sách tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện các quy định, tiêu chí để đảm bảo chất lượng muối, đồng thời quảng bá thương hiệu, tạo điều kiện cho việc vay vốn, thuê đất lâu dài để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh việc cần bảo tồn và phát triển nghề muối truyền thống, kết nối doanh nghiệp với diêm dân sản xuất muối để xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ trong nước mà tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.
Trước tiên, cần quan tâm đến thu nhập của diêm dân hiện nay, nghề muối sẽ mai một nếu như giá trị của sản phẩm muối quá thấp, tiếp đến là tổ chức đào tạo, tập huấn, áp dụng các thiết bị máy móc công nghệ đến người sản xuất.
Bên cạnh đó kết nối các doanh nghiệp và diêm dân để tiêu thụ sản phẩm ổn định; đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng diễn đàn chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong các vùng nguyên liệu muối. Tiến tới mục tiêu trong tương lại gần Việt Nam sẽ không phải nhập khẩu muối, thậm chí xuất khẩu muối sang các thị trường lớn./.
Không chỉ riêng Việt Nam, bột ngọt (mì chính) là gia vị phổ biến trong văn hóa ẩm thực ở nhiều nơi trên thế giới. Loại gia vị quen thuộc này không chỉ...
Muối là chất rắn có dạng tinh thể màu trắng hoặc có thêm xíu vết hồng hay xám nhạt, thu được từ nước biển hay các mỏ muối và có vị mặn. Muối thực phẩm...
Trong cuộc sống hiện đại, nhu cầu về thực phẩm an toàn, chất lượng và giàu dinh dưỡng ngày càng trở nên quan trọng. Hiểu được điều đó, Công ty Cổ phần...
Bột canh và muối đều là gia vị quen thuộc trong ẩm thực hàng ngày. Trong bột canh cũng chứa muối và có vị mặn nên nhiều người thường có thói quen dùng...